Đền Cùng – Giếng Ngọc

Dù ai đi lễ bốn phương, không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng”, với những câu chuyện nhiệm màu linh thiêng được kể bao đời, Đền Cùng – Giếng Ngọc là điểm đến tâm linh thu hút du khách thập phương từ muôn nơi đổ về những dịp ngày Rằm, đầu Xuân.

Đền Cùng – Giếng Ngọc ở khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là làng Diềm), là chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh hiển của Đền Cùng đã nổi tiếng khắp dân gian từ lâu đời, từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, thời Lý quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu, có đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược…

Ngày nay nơi đây là địa điểm thu hút đông đảo khách thập phương về thăm quan, cầu tình duyên, công danh sự nghiệp, gia đạo tốt lành. Bước qua cổng tam quan của Đền Cùng, du khách thấy một quần thể kiến trúc hài hòa, cổ kính. Không gian nơi đây rất thoáng đãng với nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát, khiến mỗi người đến đây luôn cảm thấy yên bình và trong lành.

Sự tích Giếng Ngọc

Thật lạ kỳ khi tại làng Viêm Xá (làng Diềm) không có bất kỳ một ngọn núi, khe núi nào mà ngay dưới lòng đất lại có một mạch nước ngầm thiên tạo từ dưới lòng đất “đùn” lên, nước trong xanh, lại có vị ngọt mát không hề đục, cũng vì lẽ đó mà nước giếng Ngọc đã nuôi sống cho người dân làng Diềm từ bao đời nay. Sở dĩ được gọi là Giếng Ngọc là do nước mạnh, chảy xiết, đã nạo rửa những viên đá cuội to bằng nắm tay trắng muốt như ngọc, cũng từ ấy mà giếng có tên là Giếng Ngọc.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt rộng chừng 20m2. Tại giếng có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m. Nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy.

Có nhiều truyền thuyết truyền tụng lại rằng, người dân làng Diềm có được giọng hát tinh xảo bậc nhất xứ Kinh Bắc chính là nhờ được dung dưỡng từ nguồn nước trong lành, tươi mát của giếng Ngọc mà nên. Con gái làng Diềm dùng nước giếng Ngọc để gội đầu thì tóc suôn dài, mềm mượt, còn đàn ông mỗi khi dùng nước giếng Ngọc để pha trà thì bao giờ nước trà cũng thơm, xanh, ngọt hơn hẳn.

Trước kia, mọi sinh hoạt của người dân đều dùng nước ở Giếng ngọc, nhưng lạ một điều là nước Giếng không bao giờ cạn. Giờ đây, khi đã có nước máy, người dân làng Diềm không muốn “phí phạm nước trời ban” nên chỉ xin nước Giếng về làm nước để ăn, để uống còn các sinh hoạt khác thì dùng nước máy.

Người dân làng Diềm vẫn hàng ngày đến xin nước giếng Ngọc về ăn.
Người dân làng Diềm vẫn hàng ngày đến xin nước giếng Ngọc về ăn.

Cũng bởi thành thói quen, những người dân làng Diềm vẫn thường ra giếng Ngọc để xin nước thần về ăn.

Còn đối với những du khách thập phương có dịp được ghé đến Cùng – Giếng Ngọc cũng gắng xin một cốc nước mát để giúp thanh tịnh tâm hồn, xua tan những điều phiền lo, mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Đồng thời cũng cầu mong sự bình an, may mắn từ dòng nước mát.

Những khách thập phương cũng xuống xin nước ở giếng Ngọc để uống
Những khách thập phương cũng xuống xin nước ở giếng Ngọc để uống

Ly kỳ chuyện 3 “ông cá thần” nghìn năm tuổi

Đối với nhiều người khi nghe những câu chuyện kỳ bí liên quan đến ba cụ cá thần nghìn năm tuổi sống trong giếng Ngọc cứ ngỡ là thêu dệt nhưng đối với những người dân làng Diềm, đó là cả một câu chuyện dài. Đã từ rất lâu, “3 cụ cá” đã sống trong giếng Ngọc, chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của làng Diềm. Ông Thư chia sẻ: “Cá lạ nước thì cá đi, ấy vậy mà những trận lụt vào năm 1957, 1971 khiến giếng ngập hết, khi nước rút, giếng cạn, người dân trong làng vẫn thấy ba cụ cá thần vẫn ở trong giếng mà không đi mất.”

Nước lụt 3 cụ cá cũng không đi, hơn thế nước ở Giếng Ngọc cũng lạnh hơn nước tại các nơi khác mà các cụ cá vẫn sống được, ấy vậy mà theo ông Thư – trưởng ban quản lý di tích thì từ năm 2010 – 2012, 3 cụ cá đã quy tiên được người dân làng rước lên lập miếu thờ. Cá trong giếng bây giờ thì đều được người trong làng đi xin từ các nơi khác về nuôi, nhưng cá mới thả không chịu được nước lạnh, cũng chết dần.

Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời. Ngày nay trăm họ thập phương về đây, cũng là về với cội nguồn, về với Mẫu để hương khói phụng thờ, không chỉ cầu khấn những điều tốt lành mà còn tìm lại sự an yên, thanh thản trong tâm hồn, rũ bỏ mọi vướng bận, ưu phiền để đón nhận một khởi đầu mới với niềm vui mới./

bài viết liên quan

Đền Đô Bắc Ninh

Đền Đô

Nhắc đến những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Ninh không thể không kể đến đền Đô. Đây là ngôi đền có tuổi đời gần 1000…

Chùa Dâu

Bắc Ninh là nơi có được mệnh danh có rất nhiều những ngôi chùa nổi tiếng. Một trong số đó không thể không nhắc đến chùa Dâu , ngôi…

Làng gốm Phù Lãng

Phù Lãng là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nằm bên bờ sông…

Nét độc đáo của Tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc…

Làng Diềm Quan Họ Bắc Ninh

Dòng suối Thiếp rồi sông Cổ Ngựa với những huyền tích về cuộc duyên tình thắm thiết mà đầy bi kịch éo le giữa bà chúa Sành và…